Thuyết vai trò xã hội Tính dục theo giới

Thuyết vai trò xã hội quy định rằng con người là sản phẩm của các vai trò xã hội được thiết lập qua các truyền thống văn hóa, khi mà xã hội hướng mọi cá nhân đến việc vai trò nào thích hợp với cá nhân nào trong từng hoàn cảnh cụ thể.[9] Thuyết vai trò xã hội có thể quy định nhiều loại vai trò xã hội khác nhau, mà cụ thể ở đây là vai trò giới. Những vai trò giới này ngụ ý rằng nam giới và nữ giới có những vai trò cụ thể riêng được định sẵn thông qua giới tính của mỗi người, và những vai trò này là điển hình và được mong đợi từ giới tính của họ.[3]

Vai trò giới vừa hạn chế vừa mang tính cơ hội, theo đó chúng quy định tiềm năng của một cá nhân thông qua việc nhận định họ là nam hay nữ. Trong bối cảnh phương Tây, điều này có thể được thấy đặc biệt rõ qua sự phân biệt giới trong lao động trong lịch sử, khi mà nam giới và nữ giới được quy cho những nghề nghiệp khác nhau định bởi khả năng thể chất của họ, mà điển hình là thông qua giới tính.[3][7] Vanwesenbeeck[7] đề xuất rằng: "...Sự khác biệt trong (vai trò) giới xảy ra không phải là do sự khác biệt trong tiềm năng sinh học, hay trong giới tính, mà là do sự phân biệt đối xử của xã hội đối với những tiềm năng đó" (trang 888). Sự tuân theo những niềm tin này xảy ra khi những người khác khuyến khích và chấp nhận một số những hành vi, khiến vai trò giới tự nảy sinh trong thâm tâm nam và nữ giới.[10] Xét trong bối cảnh phương Tây, Eagly & Wood[3] đề xuất rằng có hai nguyên tắc chỉ đạo cho hành vi vai trò giới:

  1. Các vai trò nam giới điển hình thường được trao vị thế quyền lực cao hơn, và theo đó các loại vai trò giới này được coi là mang tính chỉ đạo, và tất cả các vai trò giới khác là thứ yếu (ví dụ: các vai trò nữ giới điển hình).
  2. Tất cả các cá nhân trong một nhóm xã hội cụ thể sẽ cố gắng đạt và thực hiện các phần cụ thể tương ứng với vai trò giới được chấp nhận là của họ (ví dụ: nữ giới sẽ cố gắng thực hiện các vai trò được quy bởi vai trò nữ giới).

Một lần nữa, xét trong bối cảnh phương Tây thì những vai trò giới này cũng đồng thời có tính quy định lên các hành vi tính dục. Ví dụ là vai trò giới của nam ám chỉ tính chỉ đạo và sự xâm lược, và điều này cũng được thể hiện trong vai trò tính dục nam giới, khi mà nam giới được mong đợi là sẽ chủ động và có tính xâm lược trong chuyện tình dục.[6] Những tư tưởng này gắn liền với vai trò trong tình dục của cả nam và nữ giới trong những năm 1950 và 1960, khi mà người chồng được trông đợi là người chủ động và lấn át người vợ trong chuyện giường chiếu.[9] Tuy nhiên, những vai trò này đã thay đổi; và cũng có nhiều dấu hiệu hiển nhiên cho thấy chúng sẽ tiếp tục thay đổi theo thời gian.[1][9] Nhưng dù là vậy, thuyết vai trò xã hội dường như vẫn ám chỉ rằng bất kỳ bản dạng giới nào mà không phải dị tính cũng đều không phù hợp với các vai trò tính dục theo giới này, và không được chấp nhận bằng.[1] Đây còn được gọi là định chuẩn hóa dị tính, hay còn được định nghĩa là "... sự định chuẩn hóa các quan niệm và mối quan hệ dị tính, và việc loại bỏ mọi thứ không tuân theo điều này" (tr. 142).[11]

Tuy vậy, việc phải tuân theo các vai trò tính dục theo giới này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tích cực. Vanwesenbeeck[7] cho rằng: "... các chuẩn mực giới đầy hạn chế, thứ làm suy yếu quyền lực, năng lực và quyền tự quyết của phụ nữ, đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ trầm cảm, điểm tiêu chuẩn kém hơn trong một loạt các kết quả tâm lý khác nhau, và sự bất mãn với tình dục cao hơn ở nữ giới" (trang 888).